Thứ Tư, 25 tháng 8, 2021

lời này có tính là nguồn lạc quan - hồng tâm

(1)

Cả bốn năm lê mông các giảng đường trường đại học, vị thầy bà duy nhất tôi vừa quý mến vừa kính trọng là Thầy T. 

Một ông thầy chỉ có mỗi tấm bằng cử nhân - đầu những năm 90 của thế kỷ trước thì điều này không phải là vấn đề to tát gì. 

Ông thầy mặt "dữ", nói năng chầm chậm, từ tốn, chất giọng trầm nghe rất hay nhưng nếu dỏng tai lên nghe thật kỹ thật tinh thì có thể nhận thấy âm có chút phần giữ lại trong họng. 

Tôi nhớ là các bạn trong cái lớp Triết một dúm người chúng tôi phần nhiều đều không thích ông thầy này. Vì môn học khó, ai đâu học cái món triết Tàu trong khi chữ vuông thì mù tịt rồi nữa là cái món lý thuyết về "phương thức sản xuất Châu Á" mà chỉ vỏ từ ngữ thôi các con giời nghe xong đã nản. 

Ơ thế mà với tôi lại là hay nhá. Tôi cực ngu món triết Tàu, nhưng tôi thích cách câu chuyện được kể qua lời cùng phong thái của ông thầy, nhất là thời đó tôi lại hay chạy qua Ông Cố Tàu, không khí lúc nào cũng tràn ngập một màu dị và bí ẩn. Thêm nữa, chính là nhờ ông thầy đây mà tôi tò mò và bắt đầu biến đến một thế hệ trí thức nước Hung, rồi sau đó là mấy nước Đông Âu khác, với đường đi riêng trong lý lý luận luận của họ. Chính là từ ông thầy đến mấy ông Tây mà tôi biết đến "chủ nghĩa xã hội mang khuôn mặt người" và nhiều món nho nhỏ khác nữa. 

Thời đó, tôi chẳng biết gì về thứ mang tên tự do học thuật. Tôi đơn giản là tò mò, đơn giản là thích, thích đấy rồi mau quên, cứ vô tư vậy thôi.

(2)

Tôi nhớ những năm đời sinh viên đó, trong đầu tôi chẳng có lấy một mảy may quan tâm về nước Tàu. Đúng là chuyện từ S và vài người bạn về các cuộc đấu tranh hay các biểu đạt nghệ thuật-chính trị ở xứ kia có làm tôi có chút hiếu kỳ. Nhưng rất mau tôi dành thời gian bận tâm việc khác, chuyện khác, người khác.

Phải đến khi bắt đầu đi làm, tôi mới thực sự ở trong một không khí "chẻ đôi". Trong cái ao làng chữ nghĩa chật hẹp, tôi nghe những giọng điệu đanh thép "bài-Trung", cứ cái gì made in China là tao "phủi". Rồi tôi lại nghe những lời ngậm ngùi, nó to thế thì mình cũng phải chịu thôi. Rồi lại nữa, vài tay láu cá, miệng thì chửi người ta, nhưng cứ đường hợp tác, đường tranh thủ mà xem, nhanh phải biết. Riêng đám chuyên môn dính chặt món chữ vuông, từ chữ cổ tới chữ kim, tôi không quen thân nên chẳng suy nghĩ gì. Thi thoảng vẩn vơ thì tôi thấy thú vị, không thuộc thơ Đường, chẳng đọc Hồng Lâu Mộng, ông Khổng râu dài hay ngắn, ông Lão cưỡi lừa hay cưỡi la... rồi đến thời Dân quốc "tam dân" là ý tứ gì... úi chà, mấy món đấy loè được ai thì cứ loè, gặp phải thằng đại gia cò đất mới phất hay một ả nạ dòng từ phố núi xuống thủ đô đánh eo một phát thành quý phu nhân, mấy món này chẳng có giá trị chi. 

Tôi nghe chuyện ngoài biển, tức và khó chịu. Tôi nghe chuyện nông sản tắc đường thông quan, bực và xót xa. Rồi tôi nghe chuyện chỗ này chỗ nọ, người ta như thể "cát cứ" một phương, tôi phẫn nộ và bi quan.

Nhưng những chuyện to đó, chúng xấu xí đến mấy thì xét về góc độ con người, tôi không bao giờ có ý cứ người Trung Quốc nào cũng đều xấu xí cả. Và nhất là, đất nước Trung Hoa đó có bao nhiêu điều kỳ thú.

(3)

Sau một đôi năm đi làm kiếm được đồng tiền, tôi có dịp gặp lại ông thầy - "thần tượng" của mình.

Lúc này cơn sốt "tiến sĩ" đã lên cơn xình-xịch. Ông thầy yêu quý của tôi xem ra chẳng mấy phiền vì đã kịp chuyển hệ, từ thong dong nhàn nhã ngồi giảng đường trước đám học trò dốt nát thì giờ thành cánh tay phải, cánh tay trái, quân sư sau màn của một tay thày chùa cự phách. Tôi chẳng có ý xỏ xiên chê bôi gì, nhưng cứ thực thà mà nói, ông thầy của tôi đã chính thức bước vào thế giới con buôn tôn giáo, tinh thần, tâm linh mang tên đạo Bụt. 

Nhưng ngay cả thế, chuyện chẳng có gì quấy nhiễu tôi. Đời mà, ai đi đường nào thì cứ thuận lý thuận lẽ thuận đạo mà đi. Tôi yêu quý ông thầy ở những điểm xưa cũ, và cả vài ý tứ trong cuộc trò chuyện hiện tại.

Cho tới giờ tôi vẫn nhớ vẻ mặt rạng rỡ trong một đoạn thời gian ngắn ngủi của bữa trưa hôm ấy. Thầy kể chuyện có chuyến đi, đầu tiên, đến Trung Quốc. Và lần đầu tiên thầy thấy trước mặt mình ngút ngát tầm mắt các cánh đồng cao lương. Thầy nói, mình đi dạy học hàng chục năm, nhưng cái "vĩ đại" đó, cái "tinh thần" [bá chủ/bá đạo] đó, giờ nhìn vào khung cảnh tự nhiên này mới thật rõ ràng. 

Tôi nghe chuyện thầy kể thì lơ ma lơ mơ, bao giờ mình được rung đùi ăn các đặc sản mỳ tô và uống trà xem ông già đánh cờ ở các trấn, các thị của đất nước rộng lớn kia nhể.

(4)

Lảm nhảm thế là đủ. Giờ là chuyện về Hồng Tâm.

Bạn trẻ này nói giọng Hải Phòng. Ranh mãnh, thủ đoạn và cả "ác" nữa, tôi nghĩ hẳn là có thừa.

Nhưng có một chuyện hay là bạn này bảo, sau một thời oanh oanh liệt liệt như vậy thì phát hiện ra cuộc đời này còn có những ý nghĩa khác.

Tôi vĩnh viễn không có ý định kết thân hay tìm hiểu sâu hơn về Hồng Tâm. Rất đơn giản là nếu nhắc tới bạn nhỏ này, nhờ cậy một việc gì đó thì sẽ luôn thuỷ chung nếu không phải là thuốc thang thì sẽ là đồ ăn thức uống. Nó giống như một sự "hợp cạ" một sự "mến mộ" mang tên "đồng loã" vậy!

(5)

Mà tại sao tôi lại nhắc tới Hồng Tâm trong những ngày lốc-đao này?

Tôi "chán đời", ủ rũ. TL tinh thần xem ra cũng chẳng khá hơn mấy chút.

Nhưng hôm qua, cô em đột nhiên cười hi hi ha ha phấn chấn.

Tôi tò mò, chuyện gì vậy ta (?)

Hoá ra bạn nhỏ Hồng Tâm đang ở nơi nào đó đất Quảng Châu kia động viên bà chị ở Hà Nội, sau trận này mọi chuyện sẽ tươi sáng!

Ý a, mọi thứ đang loạn xà ngầu, đang bế tắc thế này, thật khó để nghĩ về một hậu-covid và nhất là một tương lai tốt đẹp.

Nhưng mà lời tốt đẹp đôi khi có sức mạnh của nó trong những màn u tối này.

Nào, avanti!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét