Thứ Tư, 25 tháng 8, 2021

nhật ký covid: sống chuyện đây nhớ chuyện kia

(1)

Hồi nước Mỹ mời oằn mình, đầu tiên là ở NYC, tôi nhận email từ vài người quen biết ở Hà Nội. Có người an ủi, thôi ráng chịu, cố gắng bảo vệ bản thân cho tới lúc thu xếp về được Việt Nam. Có người bảo, cô-vít cô-veo này chẳng biết đằng nào mà lần, thôi thì chẳng may bị ảnh hưởng hay thậm chí bị dính nó thì đành phó mặc cho cái mang tên số phận. Lại có người, thế mới biết tự hào vinh quang thay Tổ quốc mình, mình là nhất.

Lúc tình hình Mỹ sau một hồi yên yên lại nhảy cẫng lên vì số ca mắc mới và tử vong tăng vùn vụt hậu-kỳ nghỉ dài thì chẳng có ma nào tôi quen biết từ Hà Nội viết thư tám hay phán nữa. Tôi chỉ nhớ là coi mấy ông iu-tu-bi yêu nước nhà mình thấy họ chọc ngoáy "đám vờ-cờ tụi bây" rằng thì là mà thành phố Hồ Chí Minh là nhất đường bình yên, ăn chơi nhảy nhót bét nhè. Dân gian là vậy, còn trên đỉnh chóp, đột nhiên có một diễn đạt cũ mang nội hàm mới về "cây cột điện".

(2)

Hồi hè, tôi qua Indigo Store, có duyên thì gặp và tám chuyện chốc lát với cô chủ. Lúc đó Hà Nội về căn bản là thanh bình. Mặc dù trong lòng tôi luôn có chút dè chừng và thậm chí là khó chịu trước cái sự vô tư, lạc quan thái quá của mọi người xung quanh thì đúng là chính bản thân tôi cũng có phần nào thả lỏng, có chút phần nào đó hoan hỉ vì nhà mình kỷ luật sắt thép đâm ra con cúm Tàu kia nó sợ chẳng dám léng phéng gì. Thế nhưng nói chuyện chốc lát với cô chủ Indigo, có bao nhiêu sợ hãi, âu lo, bối rối vốn nép mình trong vài nếp não từ đôi ba tháng kể từ sau khi tôi hoàn thành hồi đoạn cách ly tập trung và tự cách ly đột nhiên chúng ngọ nguậy rồi trỗi dậy.

Tại sao? Rất đơn giản, vì mấy lời thủng thẳng của cô chủ tiệm. 

Cô nhận xét, nhà mình cứ vừa cười người hôm trước thì thật khéo là hôm sau lại lâm vào cảnh [bị] người cười. Cô viện dẫn mấy "quả", chuyện trước mình cười Vũ Hán, rồi sau cười Mỹ thì rụp một cái bùng luôn đợt dịch, rồi chi chi vân vân này nọ. Rồi cô dẫn chuyện hiện tại với vài nhân dân nhà mình cười nhạo tình hình xứ Ấn - lúc đó bắt đầu căng - và nói thêm, quan trọng là nhìn vào để mà biết rút kinh nghiệm chứ cười cợt chê bôi người ta vậy chẳng hay ho gì.

(3)

Đặt chân lên đất Bình Dương ở khu cách ly tập trung Bến Cát đầu sáng thì đầu chiều tôi theo bà con trong phòng xuống tầng xét nghiệm. Lúc đó tôi mệt và đang trong trạng thái sung sướng thở phào vì cuối cùng đã về được Việt Nam an toàn nên cái cái việc bị ngoáy họng siêu khó chịu tôi lại hết sức vui vẻ coi như không-có-gì. Còn gần ngày cuối trước khi được "cấp bằng tốt nghiệp", tôi vẫn khó chịu cái họng nhưng vẫn cứ vui vui là, vì cảm giác thống trị trong tôi lúc đó là niềm vui sướng được mau mau bay về Hà Nội.

Những ngày này, với những gì nghe và nhìn thấy trên màn hình ti-vi cùng màn đen mạng nhện, và nhất là nghe những mô tả người thật việc thật của cụ già trong nhà, người chăm chỉ đi "ngoáy mũi" vì huyện nhà bỗng dưng dính chưởng lây lan trầm trọng và giờ liên tục hùa bà con đi xét nghiệm, thì tôi giật mình. 

Tôi nhớ tuần cuối trước khi về nước, ngày nào cũng như ngày nào chăm chỉ đi xét nghiệm. Xứ cờ-hoa xét nghiệm miễn phí. Người làm việc này bữa thì mặc đồ dân sự, bữa lại là lính trông siêu ngầu. Nhưng là ai thì giọng điệu đều rất giương cao tinh thần phục vụ, thậm chí còn nói thêm dăm câu ba điều an ủi, nhắc nhở khi biết hoàn cảnh của tôi. Tôi có chút trục trặc về tra cứu lấy thông tin ư, trình bày một câu, ừ mày đậu xe góc kia chờ tao. Rồi chốc lát có người mang cho tờ giấy in kết quả. 

Cũng xứ cờ-hoa đó, nếu tôi ở rốn thêm một đôi tuần thì có thể được chích ngừa. Bác sĩ gia đình của lão Tiên sinh hỏi thông tin kỹ càng, không có vai trò gì với cái kế hoạch tiêm kia của tôi nhưng rất nhiệt tình lưu ý chỉ dẫn thông tin này nọ. Và trong đăng ký cho tôi, bạn đời không quên ghi yếu tố nghề nghiệp của tôi như một điểm cộng cho việc đặt lịch. 

(4)

Vì cái duyên cái nợ tôi thấy mình ở cạnh bạn đánh chén. Nhiều người, đặc biệt những người chẳng biết tôi là ai, thường có xu hướng gán ghép tức thì, kiểu như mụ này tham tiền, tham đi Mỹ, tham sống ở Mỹ. Tôi nghe chuyện thì cười ruồi. Hơi đâu mà giải thích. 

Nước Mỹ với tôi không [đáng] yêu cũng chẳng [đáng] ghét. Đất nước đó quá rộng lớn, quá đa dạng và phong phú, tôi không bao giờ có một suy nghĩ dù nhỏ rằng thì là mà khái quát Mỹ thì thế này, cờ-hoa thì thế kia. Tôi có cả mớ chuyện đầy tính bi về cái xứ sở này và vài người dân của nó. Nhưng những hình ảnh, những ấn tượng tốt đẹp, ấm áp, tôi cũng có nhiều lắm lắm.

(5)

Quay lại chuyện xét nghiệm. Cái mũi tôi là tôi "tự ngoáy" khi ở Mỹ, dưới mắt nhìn chằm chằm và giọng điệu như dỗ trẻ con của mấy ông bà cô cậu lấy mẫu xét nghiệm. Trước tôi và sau tôi, luôn có một thời gian để họ thay cái bao tay và sát khuẩn một lượt. 

Còn ở nhà mình, đến giờ tôi nghe thấy yêu cầu cứ xét nghiệm 5 người thì cán bộ y tế phải thay găng tay, 5 nhá chứ không phải [sau] mỗi người. Rồi nữa, tưởng sau vụ nhà thi đấu Phú Thọ bữa nào thì cả nước rút kinh nghiệm, giờ nghe hai cụ già kể chuyện ở làng, bà con được mời đi xét nghiệm líu ríu dắt nhau rồi tụ tập đông như hội làng tháng Giêng thì tôi phát khiếp. 

(6)

Những ngày này tôi hay nghĩ vẩn vơ, với chút phần so sánh này nọ nọ kia. Tôi không muốn làm người ngồi xó chỉ trích chê bôi chi cả. Tôi luôn bắt đầu với một suy nghĩ, xứ mình nó nghèo. Và tôi hiểu tại sao phải có cái sự "đi tắt" có chút phần khổ sở kia - xét nghiệm đại diện hộ gia đình/nhóm, và găng tay y tế thay ra sau mỗi 5 lượt người xét nghiệm. Nhưng rồi tôi lại nghĩ tiếp, giờ tiết kiệm chút đỉnh nhưng nếu chuyện nó toè loe ra thì sau còn tốn kém hơn đâu.

Rồi tôi nghĩ tiếp, ở thành phố thị dân phong phú sắc màu, ông lắm chữ, bà đáo để đại khái mỗi người một ý, mỗi kẻ một nhời, tôi chẳng dám bàn chi. Nhưng ở quê, chí ít là ở cái làng nhỏ nhà bên Ngoại của tôi, về căn bản cả làng là có họ hàng dây mơ rễ má, sống cũng có xung đột, đố kị, soi mói chọc chẹt nhau tý xíu nhưng về căn bản là dân lành, dễ tập hợp và vận động chỉ đạo. Thế nhưng có vẻ như cái thái độ vô tư, hồn nhiên và máu tuân theo kỷ luật vô thức đó lại không được phát huy ở chiều cạnh tốt và hợp lý mà giờ lại thành như một mặt của con dao hai lưỡi. Bà con có không ít người hồn nhiên bám vào cái diễn ngôn chính trị tràn đầy lạc quan và tích cực trong nhiều tháng qua mà cho rằng chuyện là chuyện xứ người, là chuyện làng bên xã bên chứ mình chẳng sao đâu. Ở quê không có cảnh đất chật người đông xóm trọ người người san sát như mấy khu bình dân Sài Gòn để mà dễ lây lan con cúm Tàu. Nhưng bà con vô tư hồn nhiên đi chợ đập lưng, nắm tay nhau hỏi han, chốc chốc trong ngày chạy tót sang nhà hàng xóm láng giềng hay họ hàng gần xa, thế ai bảo không đáng sợ cơ chứ.

(7)

Từ đôi ba ngày nay tôi thậm chí chẳng còn muốn nghe tin tức. Chỉ có giữa buổi sáng tôi theo thói quen sẽ hỏi TL một câu, hôm nay các anh Đàm Hà Phú và Phạm Trung Tuyến nói gì. Còn đến tối thì có cái màn nằm gác chân nghe ông có râu truyền phát trực tiếp từ Hà Nội. 

Tôi nghe gián tiếp hay trực tiếp lời của họ, các xờ-tây-tuýt đọc được trên phây-búc của TL hay bản tin tổng hợp thời sự ngày từ ông chủ kênh râu quai nón đen sì. Không a-dua gật gù đúng đúng mà cũng chẳng bình luận thằng cha này thực "phản động", tôi đọc họ, nghe họ rồi liên hệ chút với các bản tin được đóng khung công thức, từ cử chỉ điệu bộ của đám mờ-xê đến thời lượng lộ mặt và nói lời của từng cấp bậc vai vế lãnh đạo qua cả áo áo quần quần, son son phấn phấn cùng nhất loạt tông giọng đầy mùi nếu không phải là ngôn tình mơ mộng đặc trưng của đám thị dân nhà giàu thì là dàn dụa tình cảm ái quốc cùng ngạo nghễ nhà đài ta thông tin là chuẩn nhất. 

(8)

Những so sánh đấy thường là chẳng dẫn tôi đi đến kết luận nào cả. 

Tôi tiếp tục mơ mơ màng màng, ngoài kia có thật nhiều thế giới

Và có một điều tôi chắc nịch mà chẳng cần phải so sánh chi chi. Đó là, sang ngày mai tôi lại sống thêm một ngày "giãn cách"!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét