(1)
Con gái lớn gọi điện về Bắc Ninh thăm Bố Mẹ. Mẹ đang bận gì đó, Bố tai kém trò chuyện với con đoạn rõ đoạn không. Mỗi lần nghe không rõ, ông cụ già lại "con thông cảm cho bố nhé, vì tai bố kém quá!". Những lúc đó, hoặc tôi kiên nhẫn nhắc lại câu nói vừa xong, hoặc tôi nhảy phắt sang chuyện khác. Cuộc trò chuyện thế là lại mau mau sinh động với đủ thông tin từ làng mình qua xóm bên tới huyện, tỉnh và quốc gia.
Lần này, Bố khoe thành tích ngày nào cũng ra vườn làm việc một hai giờ. Lựa chọn lúc mát thì hai cụ lọ mọ việc vườn tược. Thấy mệt thì hai cụ nhà ta lại vào nhà nghỉ ngơi. Đại loại là cứ vừa sức ta ta làm, làm sao việc phải làm ta vui.
Theo lời ông cụ, hiện tại hai lão nông đang tập trung xử lý một ô đất lớn để chuẩn bị cho vụ rau mới. Thực phẩm cho hai cụ già ở nhà Bắc Ninh thời kỳ giãn cách rồi cách ly y tế nếu có "thiếu" thì là cái món thịt heo, thi thoảng nên có để gọi là "đổi bữa". Còn lại từ gà vịt qua cá tôm, và nhất là rau củ quả trong vườn, hai cụ nhà mình không những luôn sẵn mà còn chia phần cho các cháu họ xung quanh.
(2)Ở nhà biển, lão Tiên sinh giờ cũng đang ở trong tình trạng dư thừa rau củ quả, đặc biệt là cà chua.
Tôi vẫn không quên cái màn hài hước của năm trước, mọi người cứ rình nhau để cho để tặng bí ngồi và cà chua. Vì đến mùa thì ông bà nào cũng lâm vào tình trạng không biết làm gì với thành quả vườn tược của mình.
(3)
Còn ở đây, nhà căn hộ trong hiệp thứ 3 của một Hà Nội giãn cách?
Từ khi cái vườn rau hiên nhà căn hộ được tôi thông suốt mà cho rằng chỉ là một trò giải trí không hơn không kém thì xem ra các bạn cây cỏ lại có một đà sống mới.
Hành lá chưa cho thu hoạch, một trong sáu cụm hành trồng thậm chí còn hy sinh gần như cả cụm nhưng về căn bản là các bạn lá xanh dài dài này kiên cường trụ vững trong nhà mới của mình. Hẹ vẫn cái vẻ khinh khỉnh, tưng tửng lớn, nhìn cái chậu tôi tính toán đủ ăn ít nhất là ba bốn bữa. Hay nhất là mùi tàu mà con bé bán hàng hoa quả nhờ trước cửa nhà Hà Nội gửi cho bữa trước, tôi trồng ra ba bốn chậu, giờ xem ra tất cả đều đã ổn định.
Tôi thi thoảng vẫn nghĩ về cái sự thất bại thảm hại trong trồng rau gia vị của mình. TL luôn khẳng định là đất không tốt. Nhưng giờ, khi mà mấy cọng kinh giới từ túi rau mua ở siêu thị được tôi vùi xuống đất rồi chăm chỉ tưới bẵm mỗi ngày cho một dáng vẻ vô cùng sinh động, rồi mấy cái mầm đậu và mướp đắng chìa ra cái bộ dạng tơn tởn, tôi bắt đầu nghi ngờ, hay mấy búi cây giống kia thực không được tốt lắm ngay từ ban đầu.
(4)
Ở ba nơi chốn, ba địa phương, chuyện về các vườn rau xem ra có những sắc thái thú vị.
Với Bố Mẹ, vườn cung cấp thực phẩm - rau củ quả là trước nhất. Nhưng vườn, hay chính xác là làm vườn, còn là phương tiện duy trì hoạt động thân thể, vì sức khoẻ. Và vườn, với các sản phẩm của nó, cũng là một kênh giao tiếp xã hội.
Với lão Tiên sinh, làm vườn là một hoạt động thể chất của ngày, là một nguồn vui tinh thần của ngày, là một cái cớ để ông có một đống chủ đề cà ràm - tỷ như tại sao tui mua giống dưa chuột Nhật mà trái lại to như dưa giống Ba Tư đâu. Tôi không mấy tin ông lão thích ăn thịt này có thể coi trọng cái vườn rau của mình đến mức không thể sống thiếu nó. Nhưng ông lão vui vẻ nhờ nó thì đó là sự thật.
Còn với chúng tôi trong những bức tường của nhà căn hộ? Nếu chỉ có một đáp án, tôi sẽ thuỷ chung, phép trị liệu cho chứng tâm thần thời covid!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét