Chủ Nhật, 8 tháng 8, 2021

tổng kết hai tuần đầu hà nội giãn cách 2021

(1)

Đúng ngày trước đợt giãn cách, tôi bị dính nước mưa, người dị ứng uể oải, sau chập thêm thần hồn nát thần tính mơ mơ màng màng hay mình dính chưởng covid. Đó là chuyện của tuần đầu tiên giãn cách. Sang tuần thứ hai, nhất là mấy ngày cuối cùng, với đủ loại tin đồn nghe được về sự kéo dài lốc-đao ở Hà Nội cũng như những tin tức, hình ảnh xám xịt từ/về Sài Gòn, psy ở trong nhà căn hộ tiếp tục rơi tự do với một chuỗi xem phim tư liệu về cái chết cô độc, về những hikikomori ở tuổi U40 và U50, rồi sau đó là những người bản địa làm trong mỏ mica ở một góc nào đó của xứ Ấn.

Tôi tự bảo, thật là điên rồ khi để mình cuốn theo những u ám đó, ngay cả khi chúng là chân thực, chúng là thực tế.

Tự chọn cuộc sống trạch-nhân, phải là tự nguyện nhá, không phải là một ý tệ. Nhưng để dòng đời và các hoàn cảnh đưa đẩy và thấy mình chết từ từ trong một căn phòng hay một căn nhà, thực chẳng có gì là hay ho. Tự chọn sống đơn giản, sống "nghèo" theo mắt nhìn đại chúng theo chủ quan nhận thức và giá trị cá nhân không phải là một ý tệ. Nhưng sinh ra, lớn lên và sống nghèo bị động, ở trong một cái bẫy nghèo không lối thoát, thực chẳng có gì là hay ho. 

Tôi nhìn những căn phòng của những hikikomori đã lìa đời và tự hỏi, trước khi nhốt mình trong phòng, trong nhà, họ liệu đã từng có những ngày sống sinh hoạt xã hội ồn ào náo nhiệt và hạnh phúc. Những đứa trẻ ở cái làng của người bản địa xứ Ấn kia nói, các giấc mơ là không có thật. Cha mẹ chúng nói, sinh ra đã gắn phận đời với mỏ mica. Tôi tự hỏi, thế đời ông cha họ, trước khi người Anh tới xứ Ấn, trước khi công nghiệp làm đẹp bùng nổ với đủ món nhũ lấp lánh, những người đó sống bằng cái gì. 

Các câu hỏi vừa đặt ra, tôi đã thấy mình ngu xuẩn.

(2)

Sau một hồi tò mò coi xem truyền hình trung ương nó ra làm sao và thi thoảng mặt hoặc dài ngoẵng hoặc nhăn nhó thì tôi coi như sáng tỏ. Đừng mong đợi gì hơn những bản tin với nội dung thì ít mà diễn thì nhiều. MC anh ả phần đa nếu không phải là lên gân lên cốt thì là vênh vênh váo váo, tin đưa ngoài phần chính thống cứ theo quy củ chẳng nói làm gì, sang đến phần cần đến cá tính và bản lĩnh của nhà đài thì sao mà chán. 

Một anh MC bố chó bông ông chó xồm xỉ vả đám nhân dân vi phạm quy định phòng chống covid cứ như thể ông đây ông ở trên Giời. Một ả MC nhái phong cách Rachel Kor đứng trong bếp nhà nhìn như chưa từng kinh qua một màn nấu nướng nào kiêu kỳ hướng dẫn bà con nấu chẳng rõ mỳ tôm hay phở ăn liền cho tiết mục ở nhà mùa dịch. Mà nói đã dở, câu chuyện phong thái cùng áo áo quần quần hài không kể xiết. Có đời thưở nhà ai mà nói tin thời tiết lại mặc váy dạ hồi hả Giời, bản tin kinh tế thì tóc vấn quý bà cứ như đang ngồi chấm thi hoa hậu vùng, tin đưa đang chỗ có người tuyến đầu hy sinh vất vả hay bệnh nhân covid khổ sở đau đớn thế nào mà cái mặt cứ tơn tởn như đang dự một màn hội xuân liên làng.

Người ta hay bảo muốn biết một xứ sở thế nào thì cứ nhìn vào chúng dân hay chính trị gia [chóp bu] xứ ấy. Tôi thì nghĩ thế này, nhìn vào nhân dân đa dạng phong phú lắm, nhìn hồi oải rồi thành bối rối cóc nghĩ ra được điều gì. Còn nhìn vào các đồng chí cốt cán thì lại sợ phạm này phạm nọ. Thôi thì cứ nhìn nhà đài trung ương là biết liền não trạng dân tộc, vận mệnh quốc gia hì. Đến đây con giời chạm tay vào bàn gỗ một cái, đùa xíu vậy thôi ha :-)

Tôi không xem các nhà đài địa phương nhưng thi thoảng có rờ kênh của VTC. Xem ra tin đưa và cả các mục phóng sự và phim tài liệu bên đó tốt và thú vị hơn nhiều. Mà tôi cũng càng ngày càng hiểu tại sao các kênh truyền thông dân gian, từ trong nước qua hải ngoại, vốn bị coi là trái chiều, nếu không nói là phản động, lại được một bộ phận nhân dân xứ mình ưa chuộng. Tôi quyết định không ngạc nhiên chi nữa khi ra đường đụng phải thằng cha con mẹ nào cuồng Chăm và tin ông cựu tổng kia sẽ cứu thế giới khỏi bóng ma con cúm Tàu. 

(3)

Điên loạn psy khi tự bế trong nhà là vậy. May mắn là tôi vẫn còn vài cái cớ để động đậy tấm thân, làm cho mình bận rộn và thấy rõ hơn vài ý nghĩa của cuộc đời này.

Tỷ như, duyên làm vườn của tôi dứt khoát là không có. Thế nên giờ tôi càng lúc càng quý trọng các bạn cây lờ vờ còn sống sốt, loay hoay mỗi ngày một đoạn thời gian tưới tắm, cắt tỉa như là một hành động trị liệu tinh thần.

Tỷ như, tôi sợ chết bỏ phí mấy cái phiếu đi chợ, chuyển sang hò TL đặt đồ qua mạng nhện và giờ thấy thế là đủ, có thể sống tiếp hai tuần trong nhà với duy nhất phiền muộn là cần kíp vẫn phải mò rau xanh ở siêu thị dưới nhà. 

Tỷ như tôi có thể thay bằng ngồi coi VTV thì xem mấy kênh nấu ăn và thủ công của các iu-tu-bi để có được cảm hứng mới cho việc quay trở lại nấu nướng và dọn dẹp trong nhà căn hộ.

(4)

Mấy ngày nay Hà Nội nóng và nực kinh khủng khiếp. Tôi tiếp tục cân đo mức độ chịu đựng của mình. Với nhắn nhủ, ngoài kia còn bao người vất vả và khó khăn hơn mình. Cố gắng chịu tiếp đi.

Từ những quán chiếu cái nội tâm hỗn loạn của bản thân, từ nhìn lại dòng thời sự nham nhở đã theo dõi thời gian hai tuần qua - cả quan phương lẫn đại chúng, tôi tiếp tục nghĩ, rốt cuộc cuộc đời này, sự sống này [của tôi] là để làm gì.

Thế giới này có quá nhiều khác biệt, quá nhiều bất công ngay từ khi chúng ta chào đời. Và đến lượt mình, chúng ta làm đủ điều ngốc nghếch và dở hơi từ cấp độ cá nhân tới cộng đồng và toàn thể nhân loại trên trái đất này. Vào mỗi thời điểm chúng ta tưởng ta đây đích thực chủ nhân ông, năng lực chủ thể tuyệt đối có thể làm gì cũng được thì lại một lần chúng ta thấy mình bối rối và bất lực trước những hiện thực tàn khốc. 

(5)

Tôi đã qua thời kỳ tuổi trẻ ngông cuồng, ếch ngồi đáy giếng, đọc ba cuốn sách nghe hai bài giảng thì tin rằng con người có thể thay đổi, có thể cải tạo thế giới này. Tôi cũng qua cái giai đoạn thấy mình chạm tận cùng đáy sâu của sợ hãi và bất lực để nghĩ bản đồ cuộc đời này của mình đây là do Tạo hoá để rồi hoặc chuyển thành cuồng tín hoặc chuyển thành buông xuôi tuyệt đối.

Tôi vẫn có chút phần bực bội vì không được về Bắc Ninh thăm hai cụ già, vẫn có phần áy náy và lo lắng cho lão Tiên sinh lọ mọ một mình ở nhà rừng và nhà biển. Tôi vẫn sợ, tôi vẫn chán phải sống. 

Nhưng tôi không đi tìm sự cáo chung, dù chỉ là qua lời. Hai tuần giãn cách đã qua, nhìn lại các nhịp psy dồn dập, tôi càng tin tưởng, cứ bình tĩnh sống ngày sống của mình. Chuyện đến đâu từ từ giải quyết và gỡ rối đến đấy. Có gì dùng nấy. Hài lòng với thứ mình có. Không phải theo nghĩa là một sự chịu động bị động. Mà thong thả, điềm nhiên sống trong hoàn cảnh đó.

Năm trước ngồi im trong nhà biển, tôi tò mò giãn cách ở Hà Nội có thể là như thế nào hỉ. Giờ tôi đã nếm đủ hai tuần đầu tiên. Với hai tuần tiếp theo, điều tôi hướng tới là một sự thả lỏng. Câu chuyện dịch bệnh đối với tôi rốt cuộc chính yếu hoá ra là câu chuyện nhận thức và chọn lựa hành động sống của bản thân!

chăm cái cây nhỏ bị hắt hủi 

lau sạch cái quạt cũ

tha hồ dùng nhá - TA gửi cho từ Paris

lọ cà mắm thính đặc sản xứ Nghệ

để lọ hoa đồng không nằm im lìm góc nhà

không trồng được rau thì chăm các bạn cây còn thuỷ chung đồng hành

bỏ cái hộp đen, mình du lịch tưởng tượng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét