(1)
Nhiều năm trước, tôi đánh đu phong cách "giáo sư mậu dịch", nhà cứ rõ phải là lắm sách. Để chứa chúng, thậm chí tôi còn bỏ kha khá tiền đặt tủ giá mấy tầng với các món đồng trang trí phong cách đồ gỗ Đông Dương. Vấn đề là sách nhiều cuốn cả tỷ năm chẳng rờ tới, nằm im trên giá cao ngút, ngày đẹp trời con giời cao hứng dọn dẹp thì ôi thôi, con ranh chuột nhắt đã cắn kha khá để dọn ổ riêng cho nó, bao bọc bởi một rừng chữ nghĩa.
Mà con chuột này hay nhá. Chọn gì không chọn. Nó nhằm đúng cuốn từ điển triết học được in ở Liên Xô, giấy pơ-luya mỏng tang, chữ nhỏ phải dùng kính lúp của Bà Nội quá cố đọc đặng mới rõ rành. Sách đó tôi hiếm tra cứu, giữ với ý định có ngày gặp được đứa dở hơi thì bán lại kiếm chút tiền. Giờ người chẳng thấy đâu mà chuột đã tranh phần.
(2)
Chiều nay tôi nhớ lại chuyện một thời sửu nhi dởm đời, từ điển xô-viết và con chuột nhắt là có duyên có cớ của nó.
Chuyện là từ năm trước vắt sang năm nay, vừa xinh một vòng 12 tháng, tôi ngồi gặm nhấm thời gian cùng nhiều nỗi niềm ở xứ người thì có tiết mục nhà cháu đây quyết tâm học và cải thiện món tiếng Anh.
Bình thường có thể đi đến trung tâm văn hoá cộng đồng - tôi chẳng biết gọi tên nó chính xác là gì nữa, đại khái là của thành phố, dành cho bà con nhập cư muốn học tiếng, cho bà con người Mỹ muốn học nghề - để đăng ký. Nhưng đại dịch thế này thì bỏ qua ngay tiết mục đấy, mà có muốn cũng chẳng được vì người ta cũng đóng cửa.
À, thế thì tự học, học ở nhà. Coi tivi thì tôi lười. Nghe đài thì buổi đực buổi cái, thường chỉ là nhằm vào lúc ngồi xe hơi trên đường. Còn lại, mau và tiện thì có sách cùng báo.
Sách có xu hướng khô cứng và nghiêm túc. Báo thông thoáng chuyện đời chuyện lời, vừa vặn tiếng của hiện tại. Thế thì đọc báo là lựa chọn hợp lý nhất còn gì nữa!
(3)
Chuyện nếu chỉ dừng lại ở đấy, nếu hàng ngày tôi chăm chỉ đọc một bài báo nhỏ chẳng hạn, thì chẳng có gì đáng kể.
Vấn đề là tôi rất giỏi trong khoản việc này cứ từ từ nhà cháu sẽ làm. Và từ sẽ được chia ở thời tương lai xa tít tắp.
Kết quả là gì?
Bữa nay dọn cái phòng khách chính bị quên lãng và bị tôi chiếm dụng làm "ổ heo", tôi bỏ đi được hai thùng carton bự đựng các bài báo cắt ra với ý định sẽ đọc. Tôi không cân kẹo chính xác, nhưng ước chừng hai cái thùng đó nặng ít nhất cũng phải là hơn mười kí.
(4)
Cuộc đời của ai tôi không biết. Nhưng đời tôi quả là siêu nhảm và siêu phi lý. Cho đến tận tuổi này!
Sau màn dọn dẹp, lần này không phải lên gân lên cốt mà là cứ tưng tửng nước chảy bèo trôi, tôi giữ lại đúng một tập nhỏ chừng hai chục đầu bài báo, trong đó bán nửa là về câu chuyện bếp núc, thực phẩm.
(5)
Sau chuyện này tôi thấy có hai điểm thú vị khi nhìn lại cái năm đại dịch chết tiết mang nhãn con chuột - ờ, sao mà trùng hợp thế nhỉ!
Thứ nhất, đống báo-rác hay rác-báo tôi bỏ đi hôm nay là một minh chứng bổ sung cho cái bản tính tích trữ và lần khân cố hữu của tôi.
Thứ hai, và đây mới là điểm quan trọng và làm tôi thực hoan hỉ. Đó là với hành động ly khai khỏi cái mớ đống báo giấy bụi bặm và vướng víu đấy, theo một cách hết sức nhẹ nhàng thông thuận như hôm nay, tôi tự tin là mình có thêm tinh tấn trên con đường từ bỏ những tham lam sở cầu, những lưu luyến, những dính chất vào vật.
Hy vọng đây là một dấu hiệu tốt cho cả sức khoẻ hình lý - ít nhất là liên quan đến môi trường sống dễ thở, lợi cho phổi - và tâm lý - với những suy nghĩ đơn giản, thông thoáng và minh bạch hơn.
Đại loại là thể, hỉ!
tờ giấy note cuối cùng, nấn ná không dùng giữ làm kỷ niệm hoá thành giữ rác |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét