Thứ Năm, 4 tháng 2, 2021

don't worry be happy - nghĩ tết, nhớ nhà

(1)

Tối qua TL gọi điện, cười khanh khách chỉ cho tôi xem mâm cúng ông Công ông Táo trong bếp nhà Hà Nội, rồi hỏi tôi định làm gì. Câu trả lời là nhà biển ngoài hương trầm ra thì chẳng có tiền vàng [mã], áo mũ và giày ủng để các Ngài bay về trời cũng không nốt. TL trêu tiếp lão Tiên sinh nhưng nó gặp phải ông ghê gớm, mặt mày giả ngây giả ngô, cúng gold fish có đúng không, thế là hết hỏi.

Chúng tôi có một trận cười, xen kẽ với nhiều âu lo về tình hình đại dịch, về tình trạng kẹt tắc kéo dài. Tôi không rõ ngày mai có vui tính thổi xôi rồi tiện có mấy trái cam và quả mọng thì cũng bày đặt cúng cái thần bếp Tây không. Nhưng hiện thực rõ rành là mỗi ngày tôi phải tự nhắc nhở mình, bình tĩnh, không được nổi cơn vô cớ.

TL dặn dò tôi chịu khó làm việc nhà lặt vặt để luôn vận động, khoẻ người, thoáng cái tâm, thông cái trí. Lý đó tôi làu làu. Áp dụng thì lại là chuyện khác.

(2)

Sau bữa tối tôi chui vào cái ổ của mình ngâm cứu các loại rau diếp.

Bỗng ông lão nhảy vô hứng chí chỉ tôi coi màn hình ipad.

Tôi thấy gì? Yo-Yo Ma bảy tuổi khệ nệ với cây đàn to ngang ngửa thân người diễn tấu cùng chị gái với người giới thiệu là ông khổng lồ Bernstein tôi vốn quen nhìn già lụ khụ nhưng lúc này mới chỉ tầm tuổi băm. 

(3)

Lão Tiên sinh quay lại phòng khách mở rộng để ôm cái màn hình ti-vi.

Tôi la cà một chặp, khám phá Yo-Yo Ma!

Nhà biển có nhiều đĩa CD của tay đàn này. Tôi mới đầu có ấn tượng kép về ông, không phải là về chính âm nhạc ông trình diễn mà là về hành động mang biểu tỏ chính trị của ông khi chơi nhạc ở El Paso năm trước, và nữa là cái đảm bảo của cô nhận vệ sinh sàn gỗ nhà rừng rằng khách hàng mới nhất của tôi là Yo-Yo Ma đấy khi được ông chủ nhà hỏi về mức độ tín nhiệm khách hàng dành cho dịch vụ của cô. 

Sau một vòng Yo-Yo Ma và bác chị gái, tôi chuyển sang gật gù Bobby McFerrin.

Những vụn vặt nặng nề coi như giảm đi đáng kể!

(4)

Sáng nay đứng trong bếp tôi nghiêm túc suy nghĩ, có nên cúng các vị Thần Bếp Mỹ không nhỉ.

Cúng nến hay cúng hương?

Các Ngài xơi bánh mỳ, pasta, đồ xông khói hay cứ phải là đĩa xôi, khoanh giò?

Hoa tươi giờ móc chẳng ra, chẳng nhẽ ra trước nhà bẻ một cành Holly với lá xanh sậm ngắt và những trái đỏ tươi roi rói rồi bày đặt thành một bình bông?

Quả trong nhà có sẵn cam và mấy loại trái mọng tươi chuyên đề bữa sáng của lão Tiên sinh, nếu mình lấy cúng Cụ thì có bị coi là thiếu nghiêm túc vì cái sự tranh thủ này không?

Sau một chặp lảm nhảm thầm trong dạ như thế, tôi kết luận, mình đúng là con dở.

Và thế là tan biến câu hỏi về vấn đề ông Công ông Táo xứ cờ-hoa!

(5)

TL gửi cho tôi chùm ảnh mới nhà Bắc Ninh, nhà Hà Nội.

Ông cụ già đội mũ vải gấm đỏ phong cách Chú Thoòng, cổ đeo khăn len sắc vang đỏ Boóc-đô, cả hai đều là do bà cụ già khâu và đan, đang cười vui gánh chơi chơi hai rổ rau khoai lang ở trước cổng nhà.

Mấy cây đào mới thế chân cho gốc đào cổ thụ Phú Thượng giờ đã hoa nở tưng bừng.

Sân trước nhà phơi mớ tỏi mới dỡ.

Còn bếp nhà Hà Nội xem ra mâm cúng các vị đầu rau cũng ra dáng vẻ ta đây là.

Tôi bình thường tính tình lạnh lẽo, giờ coi hình từ từ ứa nước mắt. Cảm giác nhớ nhà là một lẽ. Lẽ nữa là những tình cảm yêu thương và lòng biết ơn gia đình mình, thứ tình cảm tôi vốn cho là nên giấu kỹ trong lòng chứ không nên bi luỵ trưng ra, giờ bỗng trở nên vô cùng chân thật và sống động.

Tôi nhớ rất nhiều năm về trước, khi chân còn chưa bước ra khỏi biên giới Việt Nam, Cô Barbara đã dạy cho tôi bài học đầu tiên về tình cảm gia đình và quê hương xứ sở. Đó là, chỉ khi đi xa thì mới rõ rành hơn về con người và nơi chốn mà chúng ta thường có xu hướng cho là đương nhiên không cần phải bận tâm hay coi trọng - taken for granted!

nhà Bắc Ninh - đào sửu nhi thay gốc đào cổ thụ đã từ trần

nhà Bắc Ninh - phơi tỏi, tích rau gà

bếp nhà Hà Nội - TL cúng Ông Công Ông Táo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét