Thứ Bảy, 27 tháng 2, 2021

chuyện y áo người tu

(1)

Người tu tôi nói tới ở đây không phải là tu sĩ chuyên nghiệp. Mà là chỉ một giới, chủ yếu là phụ nữ, già có trẻ cũng nhiều, hay đi chùa, hay mặc bộ nâu sòng và/hoặc ghi xám cùng nhiều phụ kiện mũ túi cứ phải là chói mắt mấy chữ A Di Đà Phật.

Điều tôi đã từng để ý, và thời gian này bỗng lại thành một sự nhắc nhớ và gợi suy nghĩ trong tôi không hẳn là bản thân con người họ - vì thực tôi chẳng biết rõ về những người này cho lắm, trừ một vài sơ giao lúc này lúc nọ, mà là câu chuyện y áo họ mang và các hành động từ cử chỉ qua lời của họ khi ở trong các lớp vải đó.

(2)

Thời gian tôi hay chạy lại chỗ ông Cố Tàu đánh dấu lần đầu tôi biết về vai trò nâng đỡ, hỗ trợ sự tu tập của trang phục. Ông già giải thích cho tôi về việc tại sao cái sự là lượt phẳng phiu - vào cái thời mà trong nhà có bàn là Liên Xô nặng hơn cả đứa bé sơ sinh là một chuyện còn tương đối hiếm - cũng như áo dài quần chùng - phủ kín thân thể - quan trọng như thế nào. 

Theo lời của ông già, quần áo giúp giữ con người nghiêm trang, và lại bảo vệ nhục thân nữa.

Tôi nghe câu được câu chăng mơ mơ màng màng rồi quẳng ra sau gáy. Bận tâm lớn nhất của tôi ở thời điểm đó là căn nhà tối om om ám mùi thuốc Bắc, đậm hương trầm và đặc biệt là con người có chút "ma quái" của ông già. Không phải là câu chuyện ông kể về áo quần.

(3)

Vài năm sau, tôi đọc Lâm Ngữ Đường thì nhớ ngay tới ông Cố Tàu.

Sao mà giống thế, những lời về y phục của người xưa.

(4)

Sau này nữa, tôi nghe từ M cũng như đọc linh tinh lang tang chỗ này chỗ nọ, thêm vài ý lý giải chi tiết hơn về chuyện áo quần. 

Nhưng về căn bản, tôi vẫn cứ là lơ ma lơ mơ.

(5)

Có lẽ do chính cái sự mơ hồ đó mà có một đoạn dài thời gian phải cỡ ba bốn năm gì đó, trong tôi có một thái độ ngấm ngầm cũng như bài xích đôi khi là công khai với hai loại người mặc "đồng phục". Một là bọn thanh niên ở trường đại học mang áo xanh tình nguyện. Hai là đám đàn bà từ tuổi non tới tuổi xệ nhất loạt hai sắc hoặc xám hoặc nâu.

Tôi không phủ nhận những tác dụng xã hội hay nâng cao ý thức cộng đồng, công dân tính chi chi của mấy phong trào đoàn hội. Nhưng có một sự thật tôi quan sát và rút ra kết luận ở trường đại học là trong đám đó có không ít bọn cơ hội, thường giữ vai thủ lĩnh, hoạt động chiêu trò để lấy thành tích sau tiếp tục trèo cao trên con đường quan nghiệp và có khi là cả lợi tài; rồi chưa kể một phần kha khá bọn thành viên thừa năng lượng sống cứ tưng tưng nghĩ bố mày là sức trẻ vô địch, việc thiện đích thực có khi chúng làm mà chẳng để ý, còn lại động cơ sâu xa là túm bè kết đảng và đi chơi tán tỉnh nhau không phải hiếm.

Bọn trẻ con là thế, sang đám Phật tử, tu tại gia, người chân tu... theo phong cách tu thì cứ phải là khu chiêng gõ trống cho cả làng biết tôi tu kia thì tôi khiếp và ghê cũng không kém. Túm tụm nhau ngồi nói xấu từ con dâu qua mẹ chồng, chị em nhà chồng - thường là mấy bà già hay mợ sồn sồn kiểu chuyên ngồi phản thịt hay quầy mỹ phẩm cha-leo số 5, gú-chì, y-vờ-sánh-lồ-răng made in China bán ở chợ tiểu khu gần nhà. Bọn đi làm ăn lương vào ngày lên chùa thì có thêm tiết mục  nói xấu đồng nghiệp, thủ trưởng. Lại có đám hội chị em vốn hình thành từ phòng tập yoga hay zumba gì đó rồi mau phát triển thành hội ăn uống, hội du hí, hội đi chùa thì giữa các buổi đọc và nghe kinh, vẫn là trong khuôn viên của chùa tám bét nhè về con này thằng nọ của giới sâu-bít. Tôi chứng kiến không ít lần ở chùa, có cảnh tự dưng một nhóm tam cô lục bà chỉ vì nhìn ngứa mắt một đôi một cặp nào đó vô chùa dâng hương thì cứ thế mà phân tích rồi kết luận về người ta như đúng rồi. Ối tu gì mà như tu hú vậy ta!

Cả bọn áo xanh lẫn đám áo nâu và ghi đó còn làm tôi có chút ghê mỗi khi thấy cảnh vài người trong đó vênh vênh áo áo với ý thức về y áo họ mang. Kiểu như trong sân trường đại học, ta đây là tinh hoa của Tổ quốc. Kiểu như trong biển người tắc đường kẹt xe nhấp nhô, mũ bảo hiểm chói mắt vàng khè A Di Đà Phật, son môi đỏ chót, mở miệng là đờ-mờ từ to chửi thằng cha con mẹ dừng xe trước mặt vướng lối bà lách. 

Tôi biết không phải ai áo xanh hay áo nâu hay áo ghi cũng đều là vậy. Nhưng nhìn thấy nhiều quá những cá thể người như vậy, cứ tự nhiên mà tôi có một ác cảm từ bao giờ không biết. Và tệ hơn nữa là không phải một lần, tôi thuận miệng cứ phải nói vài câu bài xích châm chọc cho bõ bực, bõ tức.

Chuyện này vài người thân cận biết và cười tôi không ít lần. Có lúc tôi gặp phản ứng đó chỉ muốn táng lại cặp đôi D. và partner cũng như cô nghệ sĩ đóng bỉm. 

Còn đến giờ nghĩ lại, tôi nghĩ đáng bị táng là chính bản thân mình. Vì thực thì kẻ có vấn đề đâu phải là những kẻ tu hay chiến sĩ cách mạng trẻ kể trên. 

Tôi vô duyên đi nhìn chuyện người thiên hạ rồi suy nghĩ nông nông cạn cạn, chê bôi bậy bạ, đó mới là vấn đề.

(6)

Hôm trước tôi vô tình đọc lại mấy ghi chép về y áo người tu. 

Giật mình nhớ lại lời của ông Cố Tàu, nhớ lại các trang viết của học giả Lâm Ngữ Đường.

Đối với tôi của ngày hôm nay, câu chuyện không phải là một nhớ lại máy móc.

Mà là một mời chào suy ngẫm hướng nội. Về sự cần thiết phải tập trung vào chính bản thân mình, nhận thức và cải đổi các vấn đề của bản thân, từ ý thức tới hành động.

Không nói tới chuyện áo đồng phục thanh niên sinh viên tình nguyện, cái gọi là y áo người tu hai sắc nâu và xám kia, thực rất đẹp, rất quan trọng.

(7)

Những y áo đó không phải là tấm căn cước quyết định bạn là ai như một kết quả tựu thành.

Chúng giống như cây bổng của vị Thiền sư, nhắc nhở chúng ta là ai, đang làm gì.

Tà áo phẳng phiu, tay áo dài che kín các huyệt đạo, bạn ở trong các lớp vải, được bảo vệ bởi y áo bạn mang, bạn ý thức mình là ai, mình đang làm gì.

(8)

Còn đi bao xa trên con đường tu tập, bỏ đi bao nhiêu tập tính xã hội tiêu cực của tám nhảm, tị hiềm... thì đó còn là tuỳ duyên, còn do những đơn vị nghiệp dài ngắn của mỗi người ở kiếp này, trong cõi này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét