Thứ Năm, 4 tháng 2, 2021

sống đời giản dị (11)

Thi thoảng tôi tự hỏi, bạn nhỏ Chi Lan giờ đã tiến bộ đến đâu trên con đường thực hành lối sống đời giản dị. Trong bữa trưa sau Tết năm trước mà cô em giới thiệu cho tôi cuốn sách của Wagner, có một ý em nói tôi thực rất để ý. Đó là sách khó đọc.

Sau này từ từ thưởng thức bản dịch của Vũ Bằng qua công lao phổ biến của Lục Phong, tôi tự quyết định, cái sự khó đọc - khó tiếp cận này mang trong nó nhiều tầng nghĩa.

Tiếng Việt xưa, khó đọc. Cụ nhà văn nhà ta lại có chút sáng tạo khi dịch chuyển chút những lối gọi tên người, tên sự vật, khó đọc - nếu không nói thêm nữa là mới đầu tôi còn thấy có chút "ngô nghê". Bối cảnh xưa - thời của ông mục sư -, khó nhận thức và như vậy là khó đọc. Và quan trọng hơn cả, chỗ này là chủ quan ý của tôi lúc này, tôi nghĩ sự khó đọc còn tuỳ thuộc vào hoàn cảnh của người đọc.

Hoàn cảnh đó đến lượt nó lại mang trong nó đủ rẽ ngang rẽ dọc những ý tứ nhỏ. Do cái duyên của người đọc với tác giả/dịch giả và cuốn sách/bản dịch. Do cái tâm tính, sự trải đời, những va vấp tích tụ của người đọc. Và cuối cùng, do chính cái thực tế sống hiện tại của y thị, vừa đủ mang trong nó một sức mạnh thôi thúc để y thị tự đặt ra cho mình những câu hỏi về cuộc sống, về ý nghĩa của sự tồn tại và sinh hoạt xã hội, cũng như một khát cầu truy tìm những lời giải dù chỉ là mảnh đoạn.

Đọc Wagner, đọc lại Wagner, tôi không bao giờ thiếu những bất ngờ nho nhỏ. Triết lý sống tôi tiếp nhận được từ việc đọc ông hoá ra không chỉ là một gợi ý, một dẫn dắt cho cá nhân-cá thể. Mà xem ra còn là cho con-người-sống-trong-xã-hội.

Đoạn này làm tôi nghĩ đến những kẻ "ái quốc vĩ đại" đầu nhồi chặt QAnon và đủ kiểu âm mưu thuyết!

Nếu óc giai cấp làm cho người ta mất đi lễ độ thì óc đảng phái cũng làm cho người ta mất lễ độ như thế. Ở nhiều nơi, người ta nuôi trẻ để cho chúng chỉ biết tôn thờ có một quốc gia là quốc gia của chúng, phục vụ có một chính sách là chính sách của bố mẹ, gia sự của chúng, và tuân theo một đạo giáo là đạo giáo mà người ta nhồi vào óc chúng. Người ta tưởng làm như thế là người ta tạo nên những con người biết tôn kính quốc gia, đạo giáo và pháp luật chăng? Lòng tôn kính chỉ liên quan đến cái gì thuộc về ta, động chạm đến ta, có phải là thứ tôn kính đáng suy tôn, cổ vũ không?

Có những học đường [trường phái], chủ thuyết, chính thể rộng cả miệng cả tiếng nhận là những giáo phái dạy người ta lấy lễ làm đầu, nhưng kỳ thực thì ngoài mình ra chẳng biết đến ai, chẳng kính trọng bất cứ cái gì. Tự thâm tâm, họ nhủ: tổ quốc, tôn giáo, luật pháp, LÀ TA!

Một nền giáo dục như thế tất sinh ra sự CUỒNG TÍN. Mà cuồng tín thì không những là CHẤT MEN PHẢN XÃ HỘI, mà còn là một độc dược có muôn nghìn quả ác.
 Charles Wagner  - Đọc nương theo bản dịch của Vũ Bằng được Lục Phong gõ lại

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét