(1)
Cụ già Duby nói Lịch sử/Câu chuyện [vẫn] tiếp diễn.
Tôi đầu óc tối om om, sau đó bình ổn trở lại, rồi có lúc lại sáng sủa một tý, cứ vòng tuần hoàn psy ấy mà đu dây nhịp sinh hoạt thường nhật của mình. Cuối ngày, khi mọi thứ bỗng trở nên thanh tỉnh, tôi cũng học đòi mà nhận định Cuộc sống vẫn tiếp diễn.
(2)
Hàng xóm bên kia đường, cô vợ bị tiểu đường mấy chục năm nay, vẫn sống đến giờ này là một kỳ tích. Nhà có hai vợ chồng và hai con cún. Hôm rồi nghe tin một trong hai bạn nhỏ chuyên tháp tùng ông bà chủ trong các cuộc dạo bộ đã từ giã cõi đời vì cao tuổi. Còn cô chủ, có bữa đang trên đường đi dạo tưởng cứ thế mà thăng thiên vì con tim quá mệt mỏi.
Chồng của cô giờ bối rối chẳng biết làm gì. Còn hàng xóm nghe chuyện cũng chỉ biết lắng nghe.
Bạn biết về cái chết theo nghĩa tự nhiên, hay thậm chí là có mùi triết học, là một lẽ. Nhưng nếu bạn biết về một cái chết từ từ, gắn với một con người cụ thể, thì đó lại là một lẽ khác.
Cái lẽ sau khó chịu hơn nhiều cái lẽ trước, vì nó hàm chứa sự bất lực, trong mỗi phút giây hiện tại của mỗi ngày sống!
(3)
Bác bạn già của ông chủ nhà tối qua trong cuộc điện thoại ngắn thông báo đã cho cô cún thân yêu "đi ngủ".
Tôi nghe tin đó có chút sững người.
Chuyện là chỉ vô tình một cuộc thăm viếng bác sĩ thú ý thông thường thì thòi lòi ra cái hình ảnh phim chụp lá gan dày đặc các khối u.
Rất có thể nhà bác bạn đó sẽ mau có một bạn cún mới. Nhưng tình cảm gắn bó của hai người già với bạn đồng hành mười mấy năm tuổi tính theo tuổi con người, khi nó bị cắt phựt trớ trêu như vậy, thực là một thương tổn mà không phép thần kỳ nào có thể tự động chữa lành.
(4)
Tuyết rơi dày.
Lão Tiên sinh ở trong nhà mãi "phát rồ" thì nhấc mình đi dạo.
Lúc trở về, giày ông vẫn còn trắng hếu tuyết, ông mặc kệ cứ thế dzê cái đám xốp trắng ướt nhoét đó vào phòng khách, kéo tôi ra bằng được trước ô cửa kính nhìn ra đường để chỉ cho xem thứ theo ông là "chuyện này hay lắm".
Ở con phố cắt xéo bên đường đối diện, có một xe nhỏ đang chăm chỉ cà đi cà lại thông đường thông lối nhà ai đó khỏi các ụ tuyết dày.
Ông lão kể, tui đi qua phía kia của ngôi nhà, trên con đường nhìn ra biển - một trong những con đường đẹp nhất và giàu có nhất của thành phố nhỏ này - cứ thắc mắc quái sao cái xe này chăm chỉ dọn tuyết thế. Giờ lại là phía đường bên này. Đoán xem tại sao nào?
À, hoá ra ông nhìn thấy hàng xóm cùng tên cùng họ với cụ cố Franklin, và được ông Franklin da đen của năm 2021 giải thích, đó là nhà ông thị trưởng.
(5)
Sau bữa tối, ông chủ nhà kiểm tra thư thấy có email ngắn của một đồng nghiệp chuyên món Film Studies.
Ông này bảo có bà bạn là cựu sinh viên của viện đại học của hai ông năm trước đi chơi Việt Nam, coi phim trong bảo tàng thì xúc động dâng trào.
Bà này cặm cụi thư từ hỏi ông dạy về phim ảnh có biết gì hơn không. Ông này lại hỏi ông đồng nghiệp cũ có biết gì về chuyện này không.
Ông nhận thư cười ha ha ha. Tui sẽ bảo đấy, phim của tui đấy.
Một bài báo học thuật có 5 tay thầy bà dở hơi chúng đọc cho đã là một điều xa xỉ. Nhưng bộ phim tư liệu ngắn chân thật câu chuyện đời về những người phụ nữ tần tảo trong thành phố hoá ra lại có những khán thính giả không tên kha khá đông. Và việc vài người trong số đó với những note nhắn, thư tín thi thoảng gửi tới ông lão, quả thực đã đem lại không ít niềm vui nho nhỏ bất ngờ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét