Thứ Bảy, 6 tháng 2, 2021

bánh mỳ việt nam - xin chào & tạm biệt

bánh mỳ Việt Nam - làm theo hướng dẫn của Cô Vành Khuyên Lê
(1)

Hôm trước làm thử bánh mỳ Việt Nam theo hướng dẫn số 1 của Bếp Hoa, tôi hoan hỉ và ngay hôm sau từ hoan hỉ thành tựu chuyển thành hoan hỉ hành động mới. Lần làm bánh này là theo hướng dẫn của cô chủ bếp Vành Khuyên Lê - cấp tốc, không phụ gia, vỏ mỏng, giòn rỗng ruột.

Không kể các chi tiết nhỏ, điểm khác biệt to nhất giữa Vành Khuyên Lê và Bếp Hoa là một bên dùng nước ấm nóng và một bên dùng nước lạnh. 

(2)

Tôi thuộc dạng người hấp tấp, thiếu kiên nhẫn cả trong các hành động lẫn sự/quá trình tiếp thu [nhận thức].

Cực kỳ hâm mộ Cô Vành Khuyên nhưng mỗi lần ngồi im theo dõi từ đầu đến cuối video hướng dẫn làm món của Cô đối với tôi thực giống như đang kinh qua một màn thử thách tâm lý.

Giọng người Nam tôi vốn yêu, vốn thích nghe bỗng hình như quá rề rà, làm buồn ngủ. Các thông tin, đôi khi cô chủ bếp bảo coi ở dưới phần mô tả, đến lúc con giời nhìn xuống, ơ mà hình như Cô quên không đặt vào. Ngồi tính nhẩm các đoạn thời gian ứng với mỗi công đoạn nấu nướng, rất mau tôi lẫn lộn, ý cô là x phút hay y phút. Đại loại thế. 

Nếu là chữ - một mô tả công thức ở dạng văn bản -, tôi có thể thong thả đảo tới đảo lui con ngươi để từ đó viết ra cái note ghi nhớ riêng cho mình. Còn ngồi trước màn hình và nghe cùng xem, vì kém cái khoản tiếp thu thị giác nên tôi rất mau tự đưa mình vào tình huống loạn xà ngầu, dở khóc dở cười.

Chưa làm bánh mỳ Việt Nam vỏ mỏng ruột mềm như đảm bảo của cô chủ bếp đến từ nước Đức, tôi đã lơ mơ, ủ bột rốt cuộc là bao nhiêu, tính thời gian trong lò, trong lúc đợi lò nóng... là như thế nào.

(3)

Bánh mỳ Việt Nam theo hướng dẫn của Vành Khuyên Lê được tôi học đòi làm theo trong hoàn cảnh như vậy!

Kết quả là gì?

Vỏ bánh thực không mỏng như thấy trong video của chủ bếp, nhưng đúng là giòn thật giòn. Bánh cho tới ngày hôm sau phần vỏ cho vô miệng vẫn thuỷ chung đem lại sự thích thú như khoảnh khắc đầu tiên nếm thử.

Nhưng cái ruột bánh thì ôi thôi, thảm bại! Sau thời gian nướng bánh như hướng dẫn, lần này tôi tìm được  giá - rack lò nướng thứ hai để có thể đặt khay nước đúng như yêu cầu, phần ruột bánh xét về tạo hình rất hấp dẫn ở chỗ nó giống như lớp bông chần chăn cuộn xốp lại với nhau, nhưng động vào thì té ra... chưa chín!

(4)

Tôi ngồi im, cố gắng khởi động chút cái đầu ngu ngốc của mình, để nghĩ về thất bại bếp núc già nửa này!

Có vẻ như tôi đã sai khi nắm ý về các thời gian cho bột ủ và nghỉ. Bột khi dùng tạo hình bánh dù có vẻ rất dẻo dai nhưng vẫn chưa tính là nở đạt yêu cầu.

Thứ nữa là tôi không có cái xịt nước nên lúc đưa bánh vô lò, tôi quếnh quáng lấy tay rẩy và táp nước vào phần vỏ bánh, xung quanh mép rạch.

Cuối cùng, và đây có lẽ là điểm mấu chốt, ở trong nhà biển giữa chiều không đốt lò sưởi, nhiệt độ phòng bếp chỉ ở đâu đó 65-67 độ F, khác xa với nhiệt độ phòng 76 độ F mà Cô Vành Khuyên nhắc tới (nếu tôi không nhầm). Thế nên rất có thể chính điều này tác động không nhỏ đến hiệu quả ủ và nghỉ bột.

(5)

Dù thế nào, vấn đề bánh mỳ đối với tôi trở đi trở lại vẫn là tôi thích kiểu bánh Pháp truyền thống hơn. Vỏ bánh chắc. Ruột bánh cũng chắc. 

Thế nên Xin chào bánh mỳ Việt Nam và cũng Xin tạm biệt bánh mỳ Việt Nam!

Bữa sau, nhà cháu lại thuỷ chung ôm cái nồi gang học đòi anh chàng Hervé làm món bánh mỳ thần kỳ :-)))

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét